Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Các loại phân chuyên dùng cho hoa lan



Nhiều người chơi lan nghĩ rằng hoa lan ở trên rừng không ai bón phân vẫn lên rất xanh tốt, đơm hoa kết trái bình thường. Vậy thì trồng lan ở nhà chắc cũng không cần bón phân vẫn được như ở rừng. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại.



Lan ở ngoài tự nhiên vẫn nhận được rất nhiều chất dinh dưỡng từ vỏ cây, lá cây mục, phân chim, xác các loại côn trùng, xác các loại nấm, địa y và dưỡng chất từ nước mưa… Khi chúng ta trồng lan chơi tại nhà, giá thể thường rất sạch sẽ như vỏ thông, dớn, gỗ lũa, viên đất nung… vậy nên chúng ta vẫn nên bón phân cho lan để đạt hiệu quả phát triển tốt hơn. Tôi nhận thấy nếu chúng ta bón phân cho lan cân đối, hài hòa và đầy đủ đều đặn thì cây lan phát triển tốt hơn trên rừng trong môi trường tự nhiên rất nhiều.

Tuy nhiên, có rất nhiều người chơi lan do hiểu chưa tới về việc bón phân cho lan nên đã lạm dụng quá nhiều hoặc bón không cân đối các chất, bón sai cách trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây gây hậu quả cháy lá, chết cây, thối rễ, không ra được hoa và còn nhiều hệ lụy khác.

Tôi rút ra được bài học rằng thà bón ít hoặc không bón còn hơn là bón dư. Vì bón dư chắc chắn lan sẽ chết nếu không cứu chữa kịp thời.

Dưới đây tôi xin chia sẻ các bạn cách bón phân và các loại phân nên dùng cho hoa lan, từ lan đơn thân tới lan đa thân, từ lan còn nhỏ tới cây đã trưởng thành.

Các loại phân kích thích ra rễ được khuyến cáo nên dùng để kích thích tạo bộ rễ cho lan khi mới trồng hoặc bộ rễ không đủ để hút chất dinh dưỡng đó là: Chế Phẩm Hùng Nguyễn, Terra Sorb 4, Vitamin B1, N3M, Vinamax Growmore, Rootone, Super Thrive…

Nếu là lan khai thác từ rừng về, trước tiên nên ngâm với Physan20 để diệt khuẩn và nấm, sau đó ngâm với MỘT TRONG SỐ các loại phân kích rễ mới liệt kê bên trên theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất. Cá nhân tôi vẫn thường ngâm giống với Chế Phẩm Hùng Nguyễn 6 trong 1 trong thời gian trung bình là 1 tiếng sau đó mới đem trồng vào giá thể.

Sau khi trồng, 5-10 ngày 1 lần đều đặn phun phân kích thích tạo bộ rễ cho tới khi bộ rễ đủ nhiều và khỏe để tự hút chất dinh dưỡng nuôi thân. Thường thì quá trình này sẽ kéo dài từ 3-6 tháng. Bạn cũng có thể luân phiên đổi các loại phân với nhau hoặc pha chung 2 loại lại với nhau, tuy nhiên phải giảm liều lượng của mỗi loại lại một chút.

Các loại phân kích thích bung mầm như Chế phẩm Hùng Nguyễn, Keiki Super Xanh – Đỏ, Siêu bung đọt nảy chồi của Đầu Trâu hoặc Growmore, Acid Humic, chiết suất tảo biển, chiết suất nhộng tằm, trùng quế, Super Thrive, Atonik, Dekamon…

Bạn chỉ nên dùng 1 loại trong số các loại trên và tuyệt đối không được lạm dụng, phải nghe theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu vì nôn nóng hoặc muốn thật nhiều mầm thì có thể gây ra teo mắt ngủ hoặc đẻ vô tội vạ gây suy kiệt cho cây và không thể ra rễ được.

Tôi thấy rằng rất nhiều người chơi lan do tâm lý nôn nóng nên mua vô tội vạ các loại phân như hai mục trên tôi liệt kê, thực ra chúng có công dụng tương tự nhau, không cần thiết phải lãng phí tiền bạc như vậy.

Các loại phân đa lượng, trung lượng và vi lượng:

Phân đa lượng là Đạm (N), Lân (P), Kali (K) viết tắt là NPK.

– Trong 3 tháng đầu của quá trình mầm non mọc lên, chúng ta có thể phun phân bón lá giàu đạm là NPK 30-10-10 để tăng sinh khối cho lan được nhanh chóng.

– Trong 3 hoặc 4 tháng tiếp theo nên dùng phân NPK 20-20-20 (nghĩa là 20% đạm, 20% lân, 20% kali

– Trong 3 tháng tiếp theo nữa nên dùng phân giàu lân và kali 6-30-30 để giúp cây lan cứng cáp, chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chuẩn bị vào giấc ngủ (đối với lan đa thân có giả hành), sau đó là tạo nụ hoa.

Nếu bạn cảm thấy quá phức tạp thì có thể dùng phân NPK 20-20-20 trong suốt quá trình từ khi nảy mầm tới khi lan ngủ hoặc chuẩn bị ra nụ.

Có một giải pháp rất hay cho các bạn chơi lan tại nhà đó là dùng phân tan chậm (phâm xám, phân chì) của Nhật với các chỉ số NPK 14-13-13. Một năm chỉ cần gắn phân tan chậm 1 lần duy nhất, gắn phân vào thời điểm bộ rễ lan đã dài được 4cm trở nên. Nên nhồi phân vào túi lưới (loại túi bọc bông hoa cúc), sau đó đặt Sát Thành Chậu hoặc cách gốc lan ít nhất 5cm. Tôi thấy cách này rất tiện, tiết kiệm thời gian và sức khỏe, trong giàn tôi tất cả các giống lan trồng chậu, bảng dớn, trụ dớn… tôi đều gắn hoặc bỏ phân tan chậm loại này.

Ngoài đa lượng ra, bắt buộc bạn phải bón cân đối các yếu tố Trung Lượng (Lưu Huỳnh – S, Canxi – Ca, Magie – Mg) và các yếu tố Vi Lượng (Bo, Co, Cu, Fe, Mn, Zn, Si). Trên bao bì phân thường có ghi chữ TE, ví dụ như 20-20-20 TE, nghĩa là trong loại phân đó đã có bổ sung các yếu tố trung vi lượng, tuy nhiên bạn vẫn nên đọc thành phần ghi trên bao bì, vì không phải phân nào cũng đầy đủ cả trung và vi lượng.

Nếu bạn chỉ bón phân NPK mà không bón phân trung và vi lượng thì hậu quả là cây phát triển không khỏe, ít hoa, rụng nụ, dễ bệnh, lá bị hoại tử hoặc sọc, lá nhỏ, nụ không nở được….

Hiện nay trên thị trường ngoài phân bón lá có tích hợp TE (trung vi lượng) thì còn có loại phân tan chậm hữu cơ như 5-5-5Te và 3-6-6Te chuyên dùng cho hoa lan.

Lưu ý khi bón phân:

– Thời điểm phun phân tốt nhất là sáng sớm, sau đó là chiều mát. Nếu trong ngày nhiệt độ lên quá 33 độ C thì khi phun phân lúc 7h sáng, tới 10h30 bạn nên tưới rửa lại lá để tránh tình trạng cháy lá, cháy ngọn lan.

– Trước khi phun phân bón lá nên tưới nhẹ sơ qua để lan hấp thu phân tốt hơn.

– Phun phân bón lá nên ướt mặt dưới của lá vì mặt dưới nhiều khí khổng làm tăng khả năng hấp thu chất. Bên cạnh đó phun phân bón lá tốt nhất là phun ướt bộ rễ hoặc phun vào chất trồng trong chậu để phân ngấm xuống, đây chính là điểm khác biệt của lan so với cây ăn trái, cây công nghiệp và rau màu.

– Cây lan nhỏ thì dùng liều lượng bằng 1/2 so với bao bì hướng dẫn, sau đó tăng dần dần liều lên sau các lần phun và độ lớn về sinh khối của lan. Ví dụ nếu bạn trồng lan chưa bao giờ phun phân, bạn dùng NPK 20-20-20Te liều 2 gam pha 1 lít nước thì có thể cháy ngọn cháy lá và hư rễ, tuy nhiên nếu bạn dùng 0,5gam pha 1 lít sau đó từ từ tăng liều lên, thì sau chục lần dùng phân, khi lan đã quen bạn thậm chí có thể dùng liều 3gam pha 1 lít lan vẫn chịu được.

Phân tích như trên trông thì có vẻ phức tạp, nhưng thực tế lại rất dễ làm. Ví dụ nếu chỉ trồng chơi đôi ba chục tới trăm giò lan, thì quy trình chỉ cần đơn giản như sau: 1 tuần pha Chế Phẩm Hùng Nguyễn + NPKte phun 1 lần; gắn 1 bịch phân tan chậm; khoảng 20-30 ngày phun 1 lần phân bón lá Trung Vi Lượng 1 lần. Quá trình cứ lặp lại như vậy cho tới cách mùa hoa 2 tháng thì ngừng. Nói chung là tôi chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn vì thấy sự tiện lợi, rẻ và được nhiều hiệu quả cả kích mầm kích rễ lại tăng đề kháng. Rất dễ mua vì tôi nhận thấy chỗ nào cũng có bán.

Ngoài phân vô cơ, bạn cũng có thể tự ủ phân chuồng với nấm Trychodemar để bón cho lan. Chỉ lưu ý là phải ủ thật kỹ để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng lên mức cao nhất, diệt trừ mầm bệnh, côn trùng và cỏ dại. Tuy phân chuồng rất an toàn cho cây và mát rễ, nhưng chưa hẳn đã an toàn cho người và rất dễ là nguồn gốc của nấm khuẩn và côn trùng hại tới lan. Cũng dễ dàng gây úng thối bộ rễ khi mùa mưa tới. Hiệu quả chỉ được tốt nhất trong 1 tới 2 tháng. Bạn nên cân nhắc lợi hại trước khi sử dụng. Các loại phân chuồng có thể ủ để dùng cho lan như Trâu, Bò, Heo, Gà, Dơi, Tằm…

Cách làm: 10 kg phân chuồng ẩm sệt + 30 gam nấm Trychodemar + 300 gam Supe lân trộn đều sau đó đóng vào bịch nilon đen, buộc kín lại rồi để ở góc tối. 50-60 ngày bỏ ra nhồi phân vào chiếc bít tất (dớ) rồi gắn lên giò lan. Sau 2 tháng lại gắn thêm 1 lần nữa là đủ 1 năm sinh trưởng của lan.

Quan điểm cá nhân tôi luôn là đơn giản hóa việc bón phân cho lan, sao cho an toàn tiết kiệm thời gian và sức khỏe. Ngoài các cách trong bài viết, còn rất rất nhiều công thức cũng như phương pháp và loại phân bón cho lan. Mỗi nghệ nhân sẽ đều có một bí quyết riêng đều đáng để chúng ta tham khảo và thực nghiệm. Mong rằng các bạn sẽ tự tìm ra phương pháp tốt nhất cho giàn lan nhà mình để có những giò lan đẹp thỏa niềm đam mê.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 coment rios: